Tiếp xúc Mông_Cổ_xâm_lược_Nhật_Bản

Từ lâu, giữa hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đã gần như không còn giao thiệp gì với nhau kể từ thời kỳ Heian giữa thế kỷ thứ 9 sau khi nhà Hậu Đường sụp đổ. Mặc dù Nhật Bản vẫn tiến hành giao thương với nhà Tống ở một mức độ nào đó, nhưng về cơ bản thì hai bên không còn quá quan tâm gì đến nhau. Đến khi Đế quốc Mông Cổ tiến hành xâm lược Nam Tống và thành lập nhà Nguyên thì vào năm 1266, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đã phái sứ giả đến Nhật Bản, yêu cầu đảo quốc này trở thành một nước chư hầu và phải triều cống cho nhà Nguyên, đe dọa sẽ tiến hành xâm lược nếu họ từ chối. Thế nhưng các sứ giả đã trở về tay không. Đoàn sứ giả thứ hai được cử đi vào năm 1268 rồi cũng trở về tay không như lần thứ nhất. Cả hai nhóm sứ giả đã gặp Chinzei Bugyō, người sau đó truyền đạt thông điệp đến cho Nhiếp chính lúc bấy giờ là Hōjō TokimuneThiên hoàng Kameyama ở Kyōto. Sau khi thảo luận về các bức thư tại nhà riêng của mình, đã có nhiều cuộc tranh luận xảy ra, nhưng Nhiếp chính Hōjō Tokimune đã quyết định gửi các sứ giả trở về mà không có câu trả lời. Hốt Tất Liệt tiếp tục gửi yêu cầu (một số lần thông qua sứ giả Cao Ly và số còn lại thông qua sứ giả Mông Cổ) vào các ngày 7 tháng 3 năm 1269, ngày 17 tháng 9 năm 1269, tháng 9 năm 1271 và tháng 5 năm 1272. Tuy nhiên, mỗi lần đến Nhật Bản những sứ giả này đều không được phép đặt chân xuống Kyūshū. Nhật Bản vẫn quyết làm ngơ trước yêu sách của nhà Nguyên, triều đình Kyoto và Mạc phủ từ chối yêu cầu của Hốt Tất Liệt cũng như chuẩn bị phòng thủ đất nước.